Khi nhắc đến Châu Phi bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Người yêu thích lịch sử văn hóa thì nghĩ nơi này có nền văn minh Ai Cập cổ đại với các kim tự tháp và đã từng tồn tại thư viện nổi tiếng. Người tìm hiểu về nhân chủng học thì biết rằng Châu Phi được xem nguồn cội của loài người hiện đại (thuyết một nguồn gốc). Người ghiền cà phê còn biết đến Châu Phi được vì nơi này được cho là nơi tìm ra cà phê đầu tiên (Ethiopia - quốc gia đông Phi).
Nhưng phần lớn thời điểm hiện tại khi nói đến Châu Phi người ta nghĩ đến một lục địa đói nghèo, chiến tranh và lạc hậu. Ấy vậy mà thật ra châu Phi lại được gọi là lục địa thịnh vượng tài nguyên. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng?
Một số đặc điểm địa lý của Châu Phi.
Châu Phi lớn vô cùng, nó lớn đến mức bạn có thể đặt cả Hoa Kỳ và lục địa Úc vào trong Châu Phi nhưng vẫn còn trống một khoảng.Châu Phi kéo dài từ 37 độ Bắc đến 35 độ Nam và có dải cao độ từ vùng đất trũng dưới mực nước biển lên đến đỉnh núi cao hơn 5000 mét. Do đó châu Phi có sự đa dạng về môi trường đến mức không thể tin nổi. Châu Phi có một số hoang mạc thuộc loại khô nhất nhưng cũng có 3 con sông lớn trên thế giới: sông Nile, sông Niger và sông Zaire (Congo). Một số nơi nóng nhất trên thế giới đều nằm ở Châu Phi và nơi đây cũng có nhiều sông băng nằm trên các đỉnh núi cao nhất.
Điều này tạo ra một bức tranh thật ấn tượng với rất nhiều môi trường cũng như các loại tài nguyên khác biệt nhau được tìm thấy ở Châu Phi.
"Phi Châu thịnh vượng" nhưng....
Dài hơn 800 trang cuốn sách "Phi châu thịnh vượng, lịch sử 5000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực" tác giả Martin Meredith cung cấp cho độc giả không chỉ những vấn đề xoay quanh lịch sử mà còn phân tích về kinh tế, tập quán, cách hành xử của các tộc người bản địa và cả những kẻ ngoại bang xâm lược "da trắng" đã tạo ra những tác động để lại những hậu quả mà hậu quả ấy vì sao lại kéo dài đến tận thời hiện đại chưa có hồi kết trên "lục địa đen" này.
Lịch sử ban đầu của Châu Phi là chiến tranh giữa các vương quốc nhằm tranh giành lãnh thổ và "thị trường" với hai ngành nghề: nô lệ và ngà voi.
Biết rằng ngà voi được xem như là chất dẻo của thời đại đó. Đáng buồn thay, những người cố gắng ngăn chặn buôn bán nô lệ phải đi cùng với các thành viên buôn bán ngà voi; những người cố gắng ngăn chặn nạn săn trộm ngà voi lại phải cần đi cùng với những kẻ nô lệ.
Nếu bạn có thể quay về giai đoạn cổ đại ở bất kỳ nơi nào của Châu Phi, chúc bạn may mắn chọn được thời gian hoặc địa điểm an toàn để ghé thăm; sử dụng vũ lực hơn là hợp tác đã là tiêu chuẩn cho những người cai trị ở đó trong hầu hết những vấn đề được lịch sử ghi nhận. Riêng tôi nếu bị buộc phải đến Châu Phi vào thời cổ đại, tôi sẽ đến Alexandria trong thời Ptolemy I đang trị vì Ai Cập. Vì đây là thời điểm thư viện nổi tiếng nhất thời cổ đại - thư viện Alexandria được thành lập". Đọc một đoạn được trích trong sách mà những độc giả đam mê học thuật không khỏi phấn khích: "Plotemy I quyết tâm biến Alexandria thành trung tâm cấp học bổng và nghiên cứu khoa học hàng đầu...Ông bỏ ra rất nhiều tiền xây dựng viện nghiên cứu nằm trong khuôn viên hoàng cung và lập ra một thư viện chẳng mấy chốc đã nổi tiếng khắp thế giới."
Meredith không cố gắng khắc họa Châu Phi (ngoài Ai Cập) trước khi châu lục này trở thành thuộc địa của các thế lực khác nhau theo suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy thật khó cho những độc giả muốn tìm hiểu nhiều quốc gia khác ở Châu Phi không chỉ là Ai Cập vì nền văn minh này đã có rất nhiều sách, tài liệu nói đến. Lý do cho vấn đề trên đến từ khách quan mà theo tôi sẽ rất khó để tìm một cuốn sách viết tường tận về châu Phi cổ đại. Đặc điểm của lục địa này là bao gồm hàng trăm bộ tộc lớn nhỏ và việc hình thành nhà nước rất chậm chạp nên tài liệu lịch sử duy nhất mà các nhà nghiên cứu có thể có được chỉ là bằng chứng khảo cổ học dựa trên các mẫu vật manh mún của các tộc người khác nhau. Một bức tranh ghép thiếu nhiều mảnh ghép. Bất lợi của chứng cứ khảo cổ học là nó rời rạc chỉ phản ánh được một phần hoạt động của con người trong quá khứ. Meredith cũng không thể tránh khỏi những hạn chế này khi nghiên cứu về Châu Phi. Điều này dẫn đến độc giả muốn nghiên cứu sâu sẽ khó để biết bao nhiêu phần trăm những sự kiện diễn ra "được dạy bởi" những kẻ xâm lược châu Âu và bao nhiêu là xuất phát từ văn hóa bản địa của châu lục.
Và vì tài liệu lịch sử đã bị thất lạc, bị lãng quên hoặc không bao giờ được viết ra, nên phần lớn câu chuyện về Châu Phi là về việc người ngoài khai thác lục địa này. Tài liệu theo dõi về sự trao đổi văn hóa giữa các nhóm dân tộc ngôn ngữ khác nhau ở Châu Phi và giữa người Châu Phi với người bên ngoài chỉ đơn giản là rất khó tìm kiếm và nếu có lại không dễ hiểu do sự đa dạng ngôn ngữ bản địa.
Tuy nhiên, bạn đừng vội nghĩ rằng quyển sách này kém hấp dẫn. Hãy nhìn Châu Phi dưới góc độ bị người khác tác động như thế nào mà thật ra thì đây lại là đặc điểm chính của nó, kể cả quốc gia Ai Cập hùng mạnh và "bắt kịp thời đại" nhất cũng bị các quốc gia láng giềng đến từ Châu Âu gây ảnh hưởng. Meredith đã cung cấp một cuốn sách rất tốt được viết theo hướng này.
Ông đảm bảo phạm vi "phủ sóng rộng rãi" và nhất quán là chia lục địa thành ba phần địa lý rồi sử dụng điều này trong suốt quá trình sắp xếp trình tự thời gian trong hầu hết nội dung sách, bắt đầu với các quốc gia phía bắc Địa Trung Hải vì nền văn minh cổ đại của họ, sau đó di chuyển đến cực nam của lục địa, nơi những nhà thám hiểm ven biển và sau đó là những người thuộc địa châu Âu ban đầu thực hiện cuộc xâm nhập vào sâu lục địa, rồi cuối cùng là 1/3 giữa của "châu Phi đen tối nhất", nơi được khám phá cuối cùng và bị bóc lột mạnh mẽ nhất để làm nô lệ, ngà voi và cao su.
Một chút về lịch sử ban đầu của lục địa này mà tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Hồi giáo đã đến châu Phi rất sớm và xâm nhập khá xa, di chuyển về phía tây ngay từ đầu quanh vành đai Địa Trung Hải và về phía nam dọc theo bờ biển Đại Tây Dương tiến xa hơn và vượt qua sa mạc Sahara.
Meredith đưa ra thông tin về các nền văn minh, bộ lạc và vương quốc trước khi bị người Âu khai phá - một nổ lực của tác giả, chẳng hạn như quốc gia phía đông Abyssinia (sau này là Ethiopia), là quốc gia đầu tiên tiếp nhận Cơ đốc giáo với một lịch sử lâu đời và thường bị lãng quên, bao gồm truyền thống sở hữu Hòm bia Khế ước.
Khi người châu Âu hoàn thành cuộc chinh phục Châu Phi thì khoảng 10.000 vương quốc ở lục địa này đã được chuyển thành 58 quốc gia châu Phi. Tuy nhiên những quốc gia này luôn trong tình trạng tràn ngập căng thẳng sôi sục bạo lực và điều này lại luôn được khuyến khích bởi những người cai trị bản xứ và những ngoại bang chiếm đóng .
Anh buộc những người cai trị bản xứ ở Nigeria quốc gia mà Anh bảo hộ thành lập một Nigeria với 300 ngôn ngữ riêng lẽ; vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Nigeria và các quốc gia khác bị Anh đô hộ lại gặp phải những vấn đề nan giải như hiện nay (tình trạng không thể thống nhất). Cuốn sách này cũng cho biết một thủ thuật đô hộ đó là “cướp đất và di chuyển dân cư” mà thực dân châu Âu đã hoàn thiện thủ thuật này ở châu Phi.
Ý định của người Anh thông qua các công văn năm 1877 của Shepstone rất rõ ràng: "nền văn minh" không thể mềm yếu vì vậy cái gì thuộc về bản địa phải bị phá hủy để khiến nó tuân theo quy luật của “nền văn minh”. Người Anh phát triển khuôn mẫu này của họ với cái gọi là “quy tắc gián tiếp” ở Buganda (Uganda) và sau đó họ đã “bán” hình thức quy tắc này trên toàn cầu.
Người Đức, không chịu thua kém Anh, đã tiêu diệt người Herero vào năm 1904 bằng những “cuộc tuần tra thanh lọc". Quan niệm trước những cuộc tàn sát của người Đức là những dân tộc ở lục địa này phải được "dạy dỗ" bằng vũ lực và thực tế tướng Lothar von Trotha của Đức đã có một chiến dịch “khủng bố tuyệt đối và thậm chí là tàn ác”.
Từ ngà voi rồi đến khám phá ra vàng, kim cương, cao su, dầu mỏ đã biến Châu Phi là nơi khai thác của các công ty tư bản phương tây. Kỹ thuật khai thác đi từ thô sơ đến hiện đại từng chút một. Những "chiến dịch" đại khai thác này gây hại cho người dân, bộ lạc, khu vực và hệ sinh thái xung quanh lục địa.
Vua Leopold của Bỉ đã điều hành, khai thác một cách tàn nhẫn vùng Congo với tư cách là đồn điền cao su của cá nhân nhà vua -được tiểu thuyết gia Joseph Conrad mô tả một cách không thể quên trong tác phẩm "Trái tim của bóng tối".
Lịch sử hiện đại của châu Phi bắt đầu từ việc chiếm đất thuộc địa vào thế kỷ 19, và sau đó là việc vẽ ra các đường biên giới nhân tạo mà không tính đến ranh giới lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, vốn dĩ như đã mặc định và hiếm khi được xác nhận bằng văn bản ở lục địa mà các bộ lạc đã quen sống "du cư".
Nạn buôn bán nô lệ giữa các bộ lạc địa phương và với các quốc gia khác vẫn là động cơ mạnh mẽ cho chiến tranh và kiếm lợi trong một thiên niên kỷ chỉ kết thúc vào thế kỷ 20.
Khi các cuộc chiến tranh thế giới nổ ra trong thế kỷ 20 đã tạo ra động lực quyền tự quyết dân tộc và phong trào cách mạng giải phóng mong muốn có quốc gia độc lập, chấm dứt chủ nghĩa đế quốc cai trị của người dân Châu Phi diễn ra nóng bỏng. Tuy nhiên các thuộc địa ở châu lục này trở thành những quốc gia gặp khó khăn với cơ sở hạ tầng ít ỏi, kinh tế kiệt quệ lại ít kinh nghiệm trong việc tự quản vì đã bị thực dân khai thác, bốc lột trong một thời gian quá lâu dài.
Sau khi thoát khỏi "thân phận" thuộc địa, các quốc gia ở Châu phi lại rơi vào thời kỳ cai trị độc tài của "Ông lớn" người bản địa. Cùng lúc đó họ gánh chịu tác động của chiến tranh lạnh và sau đó là thời kỳ nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan, các nhóm vũ trang tự xưng cũng mộc lên như nấm. Những điều trên đã khiến nhiều người dân lục địa này rơi vào cảnh đói nghèo, không được giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và tiếp cận các nhu cầu sống cơ bản nhất như điện và nước sạch kéo dài suốt hàng thập kỷ qua.
Đây là mớ hỗn độn mà các nước phương Tây cần chịu trách nhiệm. Tuy nhiên mớ hỗn độn này không những không thể giải quyết mà càng trở nên phức tạp và lục địa đen thì vẫn tiếp tục là nơi của đói nghèo, lạc hậu.
Khi Meredith đưa lịch sử cập nhật vào thời điểm viết sách của mình là cuối năm 2013, tác giả đề cập đến"Mùa xuân Ả Rập" hứa hẹn mang lại nền dân chủ cho Ai Cập và các quốc gia ở phía bắc Châu Phi. Nhưng ông cũng đã nhanh chóng đưa ra viễn cảnh không mấy gì làm vui rằng trong vòng một năm, hầu hết những lợi ích giành được như tự do khỏi áp bức bên trong và bên ngoài đã lại biến thành chế độ đàn áp và độc tài mới. Không có một kết thúc có hậu ở đây.
Kết:
Đọc về lịch sử Châu Phi chúng ta không thể thoát khỏi một cảm xúc khó chịu khi mà châu lục này liên tiếp phải gánh chịu những bi kịch từ những cuộc tranh giành chính trị của các cường quốc, của những người giàu có nhưng mang trong mình "trái tim bóng tối". Tuy vậy, đọc lịch sử Châu Phi không phải để chúng ta mất niềm hy vọng về một thế giới ấm no, hòa bình mà nó nên là bài học kinh nghiệm cho nhân loại. Chúng ta cần có kiến thức, từ kiến thức và kinh nghiệm có thể trở thành sự khôn ngoan. Để trở thành những công dân toàn cầu được giáo dục và hiểu biết về thế giới, chúng ta cần biết thêm về lục địa rộng lớn này ở bản đồ thế giới của chúng ta.